5 MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG LÂU ĐỜI CỦA XỨ HÀ THÀNH
11:07 - 19/07/2025 1 Văn hóa & Ẩm thực
Các món ăn truyền thống của Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam luôn có sự đa dạng về thể loại lẫn hương vị. Dù ngày nay, ẩm thực Hà Nội đã có sự biến đổi và học hỏi kết hợp với văn hóa Đông - Tây thì đâu đó vẫn còn những món ăn giữ lại trong mình nét đẹp truyền thống và hương vị xưa. Tại bài viết này, hãy cùng VNetrip tìm hiểu về 5 món ăn của Hà Nội xưa nhé, được xem là những món ăn mang trong mình sự giản đơn, nhưng thơm ngon và chứa đựng cả một bầu trời văn hóa của xứ Hà Thành.
1. Phở Hà Nội - món ăn được ghi nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc Gia
Món ăn truyền thống đầu tiên được nghĩ tới khi nói về Hà Nội luôn luôn là món Phở nước. Phở Hà Nội là dấu ấn ẩm thực khó quên, lưu giữ những hương vị tinh túy của dân tộc. Phở là sự hòa quyện tinh tế giữa nước dùng béo ngậy, rau thơm thanh mát, thịt bò / thịt gà thơm lừng cùng nhiều nguyên liệu khác.
Để nấu được những bát phở Hà Nội ngon còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và bí quyết truyền thống của người chế biến. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là nồi nước dùng. Nước dùng cho phở Hà Nội thường là nước dùng trong được ninh từ xương bò (có thể thay bằng xương lợn) kèm nhiều loại gia vị như quế, hồi, gừng nướng, thảo quả, đinh hương, hạt mùi, hành khô nướng.
Thịt dùng cho phở Hà Nội là thịt bò (với đủ loại thịt bắp, nạm, gầu được làm tái hay chín hẳn). Còn về bánh phở, theo truyền thống thì loại sợi này được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng rồi cắt thành sợi. Đặc biệt, phở luôn được thưởng thức khi còn nóng hổi.
Ngoài hàng quán cố định, phở Hà Nội còn có "phở gánh" - một hình thức bán phở dạo. Ở đó, người bán phở sẽ sử dụng đôi quang gánh, một bên là thùng hàng có các nguyên liệu để chế biến món phở và bát đũa, một bên là nồi nước dùng được đặt trên bếp than.
2. Bún chả Hà Nội - món ăn thân quen
Bún chả là một món ăn của Việt Nam, bao gồm bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc nước ta, là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội.
Có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn.
Một suất bún chả Hà Nội truyền thống sẽ có 3 thành phần chính:
- Nước chấm: Bún chả có ngon hay không phụ thuộc phần lớn vào cách pha nước chấm. Nước chấm cần vừa đủ chua – cay – mặn – ngọt với mắm, đường, giấm, tỏi, ớt được pha với phù hợp. Nước chấm sẽ được điểm xuyết thêm nộm đu đủ xanh và cà rốt.
- Chả: Phần chả nướng thường gồm 2 loại là chả viên và chả miếng. Chả miếng được làm từ thịt ba chỉ để vừa có độ ngọt, vừa có độ mềm nhất định. Còn chả viên được nặn thành khối tròn, to bằng 1/4 bàn tay, được tẩm ướp đậm đà và nướng dưới bếp than củi.
- Bún: Ngày nay, mọi người thường dùng bún rối để ăn cùng bún chả. Tuy nhiên, trong nhiều năm về trước, bún con là loại bún phổ biến được dùng trong món ăn này.
3. Bún thang Hà Nội
Là một món ăn lâu đời tại Thủ đô, bún thang không chỉ đặc biệt ở tên gọi mà còn cả cách chế biến. Với cách trình bày đẹp mắt, hòa quyện giữa nhiều nguyên liệu khác nhau, bún thang Hà Nội được ví như “bông hoa ngũ sắc” của tinh hoa ẩm thực Hà Nội.
Trước đây, người dân Hà thành chỉ thưởng thức bún thang vào các dịp đặc biệt như ngày Tết như tôm khô, thịt gà xé phay, trứng rán, giò lụa… Mỗi nguyên liệu một ít, hòa quyện tinh tế tạo nên một món ăn đặc sản ngon khó cưỡng. Bát bún thang chuẩn vị Hà Nội, đậm đà khiến bao thực khách phải thương nhớ.
4. Bánh cuốn Thanh Trì
Bánh cuốn Thanh Trì là món ăn nổi tiếng của người Hà Nội, là đặc sản của phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Bánh được làm từ gạo gié cánh, tám thơm, tráng mỏng như tờ giấy. Bánh cuốn Thanh Trì không có nhân, thường được xếp thành từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong.
Trên mặt lá bánh cuốn điểm những cọng hành lá màu vàng, nâu đã được phi qua trên chảo. Mỗi lớp bánh cuốn đó sẽ được sắp xếp gọn lại trên đĩa, lần lượt từng miếng bánh một được đặt cạnh nhau.
Sau đó, với một nhát kéo, tất cả các lá bánh cuốn được cắt đôi. Công việc tiếp theo là nhấc một nửa đầu bánh cuốn mới cắt đó, đặt lên trên nửa kia để người thưởng thức có thể nhìn thấy rõ từng lớp bánh cuốn tráng mỏng như giấy.
Bánh được ăn với thứ nước chấm đặc trưng cho từng người bán bánh riêng, có thể ăn kèm chả quế, giò lụa hoặc đậu rán và rau mùi.
5. Bánh rán Hà Nội
Bên cạnh các bữa chính, người dân Hà thành còn có bữa phụ vào buổi chiều mà nhiều người gọi là quà chiều với các món nhẹ bụng từ những quán ven đường đến gánh hàng rong. Bánh rán Hà Nội là một trong những món ăn thường xuyên được gọi tên trong danh sách “quà chiều”.
Thức quà này sẽ lấp đầy những chiếc bụng bắt đầu hơi rỗng nhưng lại không quá no, đủ để người ăn có thể dùng cơm tối. Chính vì vậy, bánh rán Hà Nội ngon được nhiều người chọn để vừa giữ sức cho công việc còn lại trong ngày, vừa ăn cho vui miệng, đồng thời có “cái cớ” để tụ tập, hàn huyên cùng mọi người.
Nếu muốn thưởng thức những món ăn truyền thống của Hà Nội chuẩn vị nhất, VNetrip khuyên bạn nên tìm đến những quán lâu đời, những thương hiệu gia truyền. Vì ở đó, họ có lưu giữ những công thức và cách làm truyền thống, mang đến những món ăn đúng chuẩn vị xưa.
👉 Theo dõi VNetrip để biết thêm nhiều điều bổ ích mỗi ngày nhé!